Bỏ khung giá đất trong dự thảo luật Đất đai sửa đổi

Bỏ khung giá đất trong dự thảo luật Đất đai sửa đổi

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi bỏ quy định khung giá đất của Chính phủ, chuyển sang xác định giá đất phù hợp với giá phổ biến trên thị trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xin ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết quan điểm xây dựng dự luật là thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết 18 của Trung ương về đất đai, cũng như các nghị quyết khác của Đảng. “Luật phải tháo gỡ được các vướng mắc trong thực tiễn, đưa thực tiễn đi vào luật”, ông Hà nói.

Cụ thể, Ban soạn thảo đã bỏ quy định về khung giá đất, thay vào đó Nhà nước quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất; ban hành bảng giá và quyết định giá đất cụ thể. Việc định giá đảm bảo nguyên tắc theo mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng, phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường; bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, khách quan của kết quả định giá giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định.

Theo dự thảo, UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất, hệ số điều chỉnh biến động giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm và công bố vào ngày 1/1 của năm. Trong thời gian thực hiện, khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.

Bỏ-khung-giá-đất-trong-dự-thảo-luật-Đất-đai-sửa-đổi

Bảng giá quy định giá các loại đất theo vị trí. Đối với khu vực đã có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thị trường thì xây dựng bảng giá theo vùng giá trị đất, giá thửa đất chuẩn.

Bảng giá được sử dụng để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân; cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân.

Bảng giá đất cũng là căn cứ để tính thuế sử dụng đất; thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; tiền sử dụng đất tăng thêm đối với những trường hợp chậm, không đưa đất vào sử dụng; tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất; tính giá khởi điểm đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất…

pho-thu-tuong-chinh-phu-le-van-thanh-lam-truong-ban-chi-dao-tong-ket-thi-hanh-luat-dat-dai-va-xay-dung-du-an-luat-dat-dai

Phó thủ tướng Lê Văn Thành ngày 29/7 đã chủ trì cuộc họp đầu tiên Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi. Ông yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhóm dân số bị tác động; huy động trí tuệ, kinh nghiệm của người dân để hoàn thiện dự thảo.

Theo ông Thành, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nên sửa luật là nhiệm vụ rất khó khăn. Từ năm 1987 đến nay, Luật Đất đai đã qua 7 lần điều chỉnh, sửa đổi, để phù hợp với thực tiễn phát triển. Mỗi lần sửa đổi, các quy định hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện phát sinh hạn chế, “thậm chí có quy định lạc hậu, cản trở sự phát triển, cần sửa đổi”.

“Quá trình xây dựng dự thảo cần bám sát Nghị quyết của Trung ương, trong đó có nội dung về quản lý đất đai, gồm phân cấp mạnh mẽ hơn cùng với kiểm soát hiệu quả; khơi thông nguồn lực gắn với chống tham nhũng”, ông nói, nhấn mạnh không chỉ yêu cầu về tiến độ mà phải hoàn thiện dự thảo với chất lượng cao nhất để trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp tháng 10/2022.

Khi xây dựng dự án luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lập ban soạn thảo gồm 57 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các bộ, ngành. Bộ đã rà soát hơn 100 luật, bộ luật có liên quan để đề xuất sửa đổi ngay trong Luật Đất đai; hoặc đề xuất sửa các luật liên quan nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ.

Hồi tháng 6, Trung ương ban hành Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Nhiều chủ trương mới được Trung ương nêu ra, như yêu cầu quy định mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng hoặc bỏ đất hoang; việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt; bỏ khung giá đất…

Nguồn: vnexpress.vn

Bài liên quan

Loạt quy định liên quan tới bất động sản vừa có hiệu lực

Ngày 20-5 vừa qua, Nghị định 10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các...

Xem tiếp...

Chuẩn bị bàn giao, căn hộ APEC Mandala Wyndham Mũi Né được nhà đầu tư “chọn mặt gửi vàng”

Trong bối cảnh đầy biến động, bất động sản vẫn được xem là “kênh...

Xem tiếp...

Những người giàu nhất thế giới luôn mua 2 loại bất động sản này

Những người cực kỳ giàu có trên thế giới đang ráo riết mua Bất động...

Xem tiếp...