Đề xuất phê duyệt phương án bồi thường trước khi thu hồi đất
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nêu nguyên tắc, Nhà nước phải phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi có quyết định thu hồi đất.
Dự thảo đang xin ý kiến nhân dân, nêu rõ việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người dân có chỗ ở, cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ. Đây là một trong những điểm mới so với Luật Đất đai năm 2013.
Theo dự thảo, việc bồi thường về đất được thực hiện bằng giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi. Nếu không có đất để bồi thường, Nhà nước sẽ trả tiền theo giá đất cụ thể, tính theo thời điểm phê duyệt.
Với trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Nhà nước thông báo trước 90 ngày với đất nông nghiệp và 180 ngày với đất phi nông nghiệp. Khi quyết định thu hồi đất có hiệu lực và phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư được phê duyệt thì người dân phải chấp hành.
Sau khi họp phổ biến nội dung về quy hoạch, dự án, chính sách bồi thường, thông báo thu hồi đất sẽ được gửi đến các gia đình và phát trên truyền thông. Nếu có trường hợp không đồng ý, các cơ quan sẽ tổ chức đối thoại. Sau đó, UBND cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày.
Vướng mắc cần được lưu ý làm rõ
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau hơn 8 năm thi hành Luật Đất đai 2013, chính sách thu hồi đất và bồi thường có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất bị thu hồi, nhà đầu tư. Một số nơi xảy ra tình trạng khiếu kiện, ảnh hưởng đến xã hội, phát triển kinh tế.
Vì vậy, Bộ đề xuất chính sách mới nhằm giải quyết hài hòa lợi ích giữa các bên; đảm bảo sinh kế bền vững và tốt hơn cho người có đất bị thu hồi; khắc phục tình trạng khiếu kiện, chậm tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án.
Tuy nhiên, tại hội thảo góp ý về dự thảo luật ngày 8/8, ông Lê Anh Quân, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng, băn khoăn khi điều 74 quy định quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường phải phê duyệt cùng một ngày, nhưng điều 79 lại quy định phê duyệt phương án bồi thường trước khi thu hồi đất.
“Như vậy là thời gian chưa đồng nhất và dễ phát sinh tình huống trong thực tế”, ông nói, đề nghị ban soạn thảo thiết kế các điều khoản trên cho phù hợp.
Theo Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng, có thể chia làm hai tình huống. Nếu là giao đất, cho thuê đất với người có tính tiền sử dụng đất thì có thể thực hiện cùng thời điểm. Với hộ gia đình, cá nhân thì việc đền bù sẽ tính toán trước nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân, để họ không còn thắc mắc.
Theo Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng, có thể chia làm hai tình huống. Nếu là giao đất, cho thuê đất với người có tính tiền sử dụng đất thì có thể thực hiện cùng thời điểm. Với hộ gia đình, cá nhân thì việc đền bù sẽ tính toán trước nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân, để họ không còn thắc mắc.
Ông Bùi Duy Cường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho rằng quy định phương án bồi thường có trước quyết định thu hồi đất sẽ rất khó thực hiện. Lý do là Luật Đất đai 2013 chỉ quy định phương án bồi thường và quyết định thu hồi đất có cùng một ngày nhưng “nhiều địa phương không thực hiện được”.
Dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 4 tháng 10/2022, tiếp tục được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 tháng 5/2023 và được thông qua tại kỳ họp thứ 6 tháng 10/2023.