Mở rộng không gian phát triển cho Bình Dương
Từ nay đến cuối năm tỉnh Bình Dương sẽ triển khai nhiều dự án trọng điểm nhằm mở rộng không gian phát triển cho tỉnh trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Trúc cho biết, từ nay đến cuối năm, việc giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ bắt buộc nên tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Theo đó, tỉnh cũng đã triển khai mời thầu các dự án đường Bắc Nam 3 qua thành phố Dĩ An, đường dẫn vào cầu Bạch Đằng 2 phía Bình Dương, đường từ Tân Thành đến cầu Tam Lập (xã Tân Định) thuộc tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng, gói thầu Kênh T4 dự án thoát nước Dĩ An và Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp…
Song song đó, một số dự án vướng công tác giải phóng mặt bằng đã được giải quyết cơ bản bàn giao mặt bằng thi công như: Vòng xoay giao giữa ĐT.743 với đường Mỹ Phước – Tân Vạn; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đường Mỹ Phước – Tân Vạn nối dài về hướng Khu công nghiệp Mỹ Phước 2 và 3; đường Bắc Nam 3 qua thành phố Dĩ An…
Đây là những công trình trọng điểm nhằm đẩy mạnh mở rộng không gian phát triển cho Bình Dương trong giai đoạn tới.
Đặc biệt, vào đầu tháng 10 tới, UBND tỉnh sẽ khởi công 3 dự án lớn chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI gồm: Dự án đường dẫn cầu cầu Bạch Đằng 2, bắc qua sông Đồng Nai nối 2 xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên) với xã Lợi Hòa (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) có tổng mức đầu tư gần 143 tỷ đồng.
Dự án đường tạo lực nối 3 huyện phía bắc gồm: huyện Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng có tổng mức đầu tư gần 725 tỷ đồng và dự án xây dựng đường kết nối hai tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh có tổng mức đầu tư gần 370 tỷ đồng nhằm hoàn chỉnh mạng lưới đường bộ liên vùng tạo thêm động lực phát triển cho vùng kinh tế phía Nam./.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2020 (kể cả vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) của tỉnh được giao là trên 13.467 tỷ đồng. Tỉnh mới chỉ giải ngân được 3.029,8 tỷ đồng, đạt 22,5% kế hoạch.
Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công bị chậm do trong thời gian qua do người dân chưa đồng thuận với chủ trương, đơn giá đền bù giải tỏa các dự án đầu tư công rất khó khăn, phức tạp; trong đó, có dự án kéo dài từ 2 đến 3 năm, thậm chí hợp 5 năm mới bàn giao được mặt bằng.
Bên cạnh đó, có nguồn vốn bố trí liên quan đến một số dự án quy mô lớn liên quan đến nhiều địa phương như Tp.Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh nên công tác phối hợp chưa bảo đảm tiến độ. Về tình hình dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện các dự án./.
Nguồn: BNEWS