Sớm khởi công 3 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương
Bộ Giao thông vận tải cùng UBND tỉnh Lâm Đồng đang ráo riết đẩy nhanh khởi công dự án đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, gồm 3 dự án thành phần…
Tỉnh Đồng Nai vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh khởi công dự án đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, đây cũng là tuyến giao thông tạo điều kiện cho hai huyện miền núi của tỉnh là Định Quán và Tân Phú phát triển kinh tế – xã hội.
Tại Văn bản số 7912/BGTVT-ĐTCT, Bộ Giao thông vận tải đồng thuận ý kiến cử tri huyện Định Quán trong việc đẩy nhanh khởi công dự án đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, gồm 3 dự án thành phần triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP) nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội các địa phương có tuyến đi qua.
Tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện giai đoạn chuẩn bị, dự kiến tháng 6/2023, hai đoạn cao tốc này được khởi công.
Trong đó, thứ nhất, tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc dài 66km được thực hiện theo hình thức PPP với vốn đầu tư khoảng 16.220 tỷ đồng đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 6.500 tỷ đồng. Tỉnh Lâm Đồng cam kết bố trí kinh phí trong chu kỳ 2022 – 2025 là 4.500 tỷ đồng.
Liên danh các nhà đầu tư gồm Tập đoàn Đèo Cả, Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty Tập đoàn Nam Miền Trung cũng kiến nghị sớm bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng vào quý 1/2023.
Thứ hai, tuyến cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương dài 73,9km, có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, tỉnh Lâm Đồng cam kết bố trí 10.800 tỷ đồng đối ứng, còn lại là vốn của các nhà đầu tư. Tỉnh cũng gửi văn bản đề nghị trung ương hỗ trợ 2.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của hai dự án trên thuộc trách nhiệm UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện rất chậm.
Còn đối với dự án đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú có tổng chiều dài khoảng 60,1 km có tổng mức đầu tư khoảng 8.365 tỷ đồng, Bộ Giao thông vận tải được giao là cơ quan có thẩm quyền, đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy mô của tuyến cao tốc Dầu Giây – Tân Phú là cao tốc 4 làn xe, chiều rộng nền đường 24,75 m.
Tuy nhiên, căn cứ nhu cầu vận tải, đánh giá hiện trạng hệ thống giao thông hiện hữu trong khu vực dự án và khả năng cân đối nguồn lực, để bảo đảm hiệu quả đầu tư, sẽ phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 100 km/h.
“Đến nay, Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai triển khai các bước tiếp theo để sớm khởi công dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú”, Bộ Giao thông vận tải thông tin.
Nếu được phê duyệt, dự án sẽ thực hiện chuẩn bị đầu tư từ năm 2021 – 2022; lựa chọn nhà đầu tư từ năm 2022 đến 2023; giải phóng mặt bằng, tái định cư từ năm 2022 đến 2023; thi công xây dựng công trình từ năm 2023 đến 2025.
Dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương có tổng chiều dài 200,3km, đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, được đầu tư theo hình thức BOT.
Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương được triển khai với 3 dự án thành phần đó là: cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương. Sau khi hoàn thành, cao tốc Dầu Giây – Liên Khương sẽ giúp tăng khả năng kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, tạo động lực phát triển cho vùng kinh tế Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, trao đổi kinh tế với các thành phố lớn như Nha Trang, Đà Lạt, vùng TP. HCM.