Bình Thuận được giao lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa giao UBND tỉnh Bình Thuận chịu trách nhiệm lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né.
Bộ Xây dựng được giao tổ chức thẩm định quy hoạch, trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Thuận trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Việc lập Quy hoạch chung xây dựng nhằm tạo điều kiện cho tỉnh Bình Thuận sớm có cơ sở pháp lý để quản lý quy hoạch xây dựng Khu DLQG Mũi Né và thu hút đầu tư.
Theo Quyết định số 1772/QĐ-TTg ngày 18/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 có diện tích khoảng 14.760 ha, trong đó vùng lõi tập trung phát triển, hình thành các khu chức năng du lịch là khoảng 1.000 ha.
Khu du lịch quốc gia Mũi Né nằm trên dải đất ven biển từ xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong đến hết ranh giới phường Phú Hài, TP.Phan Thiết.
Ranh giới Khu du lịch quốc gia Mũi Né được xác định như sau: Phía Bắc giới hạn bởi tuyến đường Võ Nguyên Giáp và các tuyến đường tỉnh 715, 716 và 716B; phía Đông giáp sông Lũy và biển Đông; phía Tây dọc theo ranh giới hành chính phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết; phía Nam giáp biển Đông.
Trong tương lai, Khu du lịch quốc gia Mũi Né sẽ có 3 phân khu du lịch chính:
– Phân khu du lịch biển cao cấp Bắc Bình (dải ven biển từ Hòa Thắng đến giáp bãi biển Long Sơn, phía Đông Bắc Khu DLQG Mũi Né, diện tích khoảng 500 ha): Là khu vực động lực, hạt nhân quyết định trong định hướng phát triển Khu DLQG Mũi Né. Khu vực này tập trung phát triển các tổ hợp du lịch đa năng với các sản phẩm du lịch cao cấp, đặc biệt là nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí, nông nghiệp kết hợp đô thị, khám phá biển đảo.
– Phân khu du lịch biển Mũi Né (dải ven biển khu vực Mũi Né và Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết, diện tích khoảng 340 ha): Là phân khu cốt lõi của Khu DLQG. Khu vực này tập trung phát triển các không gian công cộng kết hợp với các mô hình khu nghỉ dưỡng quy mô vừa và nhỏ; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đặc biệt là sản phẩm vui chơi giải trí, các hoạt động về đêm.
– Phân khu du lịch chuyên đề – Du lịch Cát (một phần diện tích phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết và xã Thiện Nghiệp, diện tích khoảng 100 ha): Là khu vực khai thác các đặc trưng về cảnh quan cát, sinh thái nông nghiệp, phát triển các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, góp phần đa dạng hóa sản phẩm cho Khu DLQG Mũi Né như nghỉ dưỡng, thể thao cát kết hợp các sản phẩm du lịch gắn với sinh thái nông nghiệp, dã ngoại.
Phát triển 04 trung tâm dịch vụ gắn với các khu vực phát triển đô thị theo định hướng phát triển đô thị của tỉnh Bình Thuận, có chức năng cung cấp các dịch vụ, sản phẩm bổ trợ và hậu cần cho Khu DLQG Mũi Né, gồm: Trung tâm dịch vụ du lịch Hàm Tiến (phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết); Trung tâm dịch vụ du lịch Mũi Né (phía Nam phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết); Trung tâm dịch vụ du lịch Hòa Thắng (phía Bắc xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong giáp với sông Lũy); Trung tâm dịch vụ du lịch Suối Nước (khu vực Hòn Rơm, phía Đông phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết).
Về hạ tầng du lịch, sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện sân bay Phan Thiết, cảng biển, bến du lịch, cấp thoát nước, đường nội bộ kết nối các khu du lịch chính, cảng Phan Thiết đón khách quốc tế, đường ven biển Hòa Phú.
Nguồn: cafeland